Bài mới đăng

Main Ad ➤ Click "VÀO ĐÂY" để xem tin tức hàng ngày nhé!

Translate

Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Tang Lễ Công Giáo


Một trong những nghi thức phụng vụ thường được cử hành trong nhà thờ mà bất cứ người Công Giáo nào cũng đã một lần tham dự đó là lễ cưới và tang lễ.
Riêng về tang lễ, kể từ sau Công Ðồng Vatican II cho đến nay, tang lễ của người Công Giáo đã bớt đi phần nào tính cách bi thảm của cái chết. Trước kia, người ta thường thấy các linh mục mặc phẩm phục đen, quan tài phủ khăn đen và một số cờ xí trong nhà thờ cũng mầu đen. Nhưng ngày nay, khi cử hành Thánh Lễ an táng, các linh mục mặc áo trắng, quan tài phủ khăn trắng và ít thấy sự trang hoàng thê lương trong nhà thờ.

I. Nhận Xét Tổng Quát

Có phải Giáo Hội ngày nay đã tầm thường hóa cái chết?
Có lẽ một số giáo dân đã hiểu như vậy, nên họ có khuynh hướng đi ngược trở về trước thời Công Ðồng Vatican II với những hình thức thê lương bên ngoài và cho rằng "chết là hết", nên họ phải làm tất cả những gì có thể để người chết "mỉm cười nơi chín suối"!Chúng ta đã từng tham dự những tang lễ thật buồn thảm, với những bài điếu văn dài lê thê (như thể lễ phong thánh), những chia sẻ tâm tình thật thống thiết, đầy nước mắt mà sau khi dự tang lễ ấy, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường và bải hoải.
Nếu cho rằng một tang lễ là phải bi thương, đầy nước mắt thì thử hỏi niềm hy vọng nơi Ðức Kitô phục sinh ở đâu? Ðức tin Kitô Giáo có được thể hiện qua tang lễ ấy hay không, mà đó là cơ hội tốt đẹp để nói lên đức tin cho nhiều người ngoại giáo cũng hiện diện trong tang lễ ấy?
Nói cho cùng, đó có phải là tinh thần phụng vụ đúng với đường hướng của Giáo Hội?
Trong sách Các Nghi Thức của Giáo Hội Công Giáo, phần Dẫn Nhập của Nghi Thức Tang Lễ có viết "Khi đối diện với cái chết, Giáo Hội mạnh mẽ tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã dựng nên mỗi một người để được sống đời đời, và Ðức Giêsu -- Con Thiên Chúa -- qua sự chết và sự phục sinh, Người đã phá vỡ xiềng xích tội lỗi cũng như sự chết từng ràng buộc nhân loại." Nếu chúng ta tin rằng con người được dựng nên để sống đời đời thì cái chết không chấm dứt sự hiện hữu của chúng ta. Chết không phải là hết.
Là một Kitô Hữu, qua các bí tích rửa tội, thêm sức, và thánh thể, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô. Mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô là sự sống, sự chết và sự phục sinh của Ðức Kitô. Ðược tháp nhập vào mầu nhiệm ấy có lợi gì cho chúng ta? Hãy nghe Thánh Phaolô giải thích "khi chúng ta rửa tội là chúng ta đi vào ngôi mộ với Người và cùng tham dự với Người trong sự chết, để khi Ðức Kitô được nâng lên từ kẻ chết nhờ vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng có thể sống đời sống mới. Nếu trong sự hợp nhất với Ðức Kitô chúng ta đã bắt chước cái chết của Người thì chúng ta cũng sẽ được giống như Người trong sự phục sinh" (Rôma 6:4-5). Nói cách khác, thân xác chúng ta sẽ được phục sinh nếu khi còn sống chúng ta đã cố gắng noi gương Ðức Kitô trong đời sống đạo. Có lẽ đây là mục đích tối hậu của một người theo Ðức Kitô. Ðây là lý do mạnh mẽ nhất để chúng ta trở nên một Kitô Hữu.
Trở về với Thánh Lễ an táng, cũng theo cuốn Các Nghi Thức, mục đích đầu tiên của các nghi thức an táng là để "thờ phượng, chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vì món quà sự sống mà nay đã trở về với Thiên Chúa, Ngài là tác giả sự sống và niềm hy vọng của người công chính." Trong mọi biến cố của đời sống, lúc sinh hay lúc tử, người tín hữu phải nhớ đến Thiên Chúa trước hết và trên hết để chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.
Ngoài mục đích này, qua các nghi thức an táng, Giáo Hội "gửi gấm người chết vào lòng từ bi của Thiên Chúa và xin Chúa tha thứ các lỗi lầm của họ." Không ai trong chúng ta là người sạch tội và chúng ta chỉ có thể đền tội khi chúng ta còn sống. Do đó, khi lìa trần, chúng ta phải trông nhờ vào cộng đồng tín hữu để cầu nguyện cho chúng ta.
Chết là một sự ly biệt và bất cứ sự ly biệt nào cũng đau buồn. Nhưng khi người Công Giáo nói lên sự ly biệt ấy không có nghĩa họ thú nhận một chia lìa hoàn toàn tuyệt vọng, đầy đau thương vì phải xa cách nhau mãi mãi. Ðúng hơn, những bài hát, lời cầu nguyện, nói chung là phụng vụ trong Thánh Lễ an táng không chỉ nhằm xác nhận một thực tại xa cách mà còn nói lên "mối giây liên đới giữa người sống và kẻ chết", và quan trọng hơn nữa, với niềm hy vọng nơi Ðức Kitô phục sinh, chúng ta tin tưởng rằng sau này, "tất cả chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ trên thiên đường".
Khi kết thúc phần Dẫn Nhập Nghi Thức Tang Lễ, sách Các Nghi Thức viết: "Việc cử hành tang lễ Kitô Giáo đem lại niềm hy vọng và an ủi cho người sống." Ðây là một hướng dẫn quan trọng mà ít người để ý. Dù tang lễ có bi thương, có rình rang cách mấy thì người chết cũng không thể sống lại để nghe những bài điếu văn ca tụng dài lê thê, để thấy được những hàng nước mắt xót thương. Nhưng những gì xảy ra trong buổi lễ lại rất ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài nơi thân nhân người chết, là những người còn sống và phải đương đầu với tất cả những hậu quả của cái chết--về tinh thần cũng như vật chất. Bài điếu văn càng bi ai thì thân nhân sống sót càng đau khổ, càng tiếc nuối người quá cố. Người tham dự tang lễ có ngậm ngùi kể lể thì sau khi nắm đất cuối cùng phủ lên quan tài cũng chỉ còn lại tang quyến--là những người phải sống với đau thương âm ỉ ấy. Nhận định như thế không có nghĩa chúng ta sẽ quên đi "hiếu nghĩa" đối với người chết để nhỏ lệ xót thương hay một đôi phút ngậm ngùi, nhưng chúng ta cần thay đổi một thói quen. Thay vì quá chú ý đến các biểu lộ bên ngoài đến độ giả dối mà nhiều khi có ảnh hưởng xấu đến người còn sống, chúng ta cần để ý đến thực chất bên trong. Một hy sinh, dù nhỏ bé cũng có giá trị hơn những câu kinh ê a qua lần chiếu lệ. Và nếu hy sinh ấy được dâng lên Thiên Chúa để đền bù cho những lỗi lầm của người quá cố, thì thiết tưởng không còn gì hiếu nghĩa hơn đối với người chết.
Người Việt Nam chúng ta rất thực tế khi "an ủi người sống," đó là sự đóng góp tài chánh cho tang gia. Nhưng còn sự an ủi tinh thần thì sao?
Có một vài nhận định cần nêu lên ở đây. Thứ nhất, không ai có người thân yêu qua đời mà lại nghĩ rằng người ấy đang ở trong "vực sâu tối tăm". Dù người từ trần có lối sống bê bối đi chăng nữa, thì người thân yêu của họ vẫn hy vọng sẽ được Thiên Chúa thứ tha và cho hưởng phúc thiên đường. Hình ảnh "vực sâu u tối" không đem lại niềm an ủi cho người sống mà ngược lại, rất có thể phản Tin Mừng. Thay vì trưng ra một Thiên Chúa đầy nhân ái, đầy từ bi thì rất có thể, vì vô tình, qua các bài hát, câu kinh, chúng ta đã trưng ra hình ảnh một Thiên Chúa "quan toà", thích trừng phạt hơn thích tha thứ. Chưa kể nếu người chết đã có một nếp sống thánh thiện, tốt lành mà vẫn phải ở "vực sâu tối tăm" thì sự từ bi nhân hậu của Thiên Chúa ở đâu? Dĩ nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được sự thật, nhưng về phần chúng ta, bổn phận là đem lại hy vọng cho người còn sống.
Thứ hai, vì thiếu suy nghĩ nên nhiều khi chúng ta máy móc lập lại những câu an ủi phổ thông, như "đó là ý Chúa," "Chúa thương gọi về." Rất có thể, những câu an ủi ấy gây ảnh hưởng tai hại hơn là xoa dịu người còn sống. Thí dụ, trước cái chết của một người cha trong gia đình nheo nhóc con thơ mà sự ra đi của ông là một mất mát vô cùng lớn lao cho vợ con ông, thì khi chúng ta cho "đó là ý Chúa," hoặc mở đầu tang lễ bằng "Khi Chúa thương gọi tôi về" thì chẳng khác nào chúng ta muốn nói với tang gia rằng Chúa không thương yêu gì đến bà và các cháu đâu! Và trong tâm hồn non nớt của các em, rất có thể các em nghĩ Chúa là người độc ác. Vì Chúa không màng đến người còn sống!
Thứ ba, vấn đề chia buồn. Cũng vì thiếu suy nghĩ nên nhiều người Công Giáo đã "vô cùng đau đớn khi được tin ông/bà ... đã được Chúa gọi về"! Mục đích tối hậu của người Công Giáo là được hiệp nhất vĩnh viễn với Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại "vô cùng đau đớn" khi được "Chúa gọi về"? Thay vì truyền đạo qua bất cứ biến cố nào trong đời sống, thì chúng ta lại trưng ra một hình ảnh Thiên Chúa đáng sợ hơn đáng kính mến.
Ðã đến lúc phải nhìn lại các nghi thức phụng vụ cầu nguyện cho người vừa qua đời của người Việt chúng ta. Một phụng vụ đúng nghĩa phải đem lại hy vọng cho người còn sống.

II. Tinh Thần Phụng Vụ

Ðâu là tinh thần phụng vụ đúng đắn trong các nghi thức cầu nguyện cho người chết? Ngoài những hướng dẫn tổng quát, sách Các Nghi Thức còn đưa ra các bài đọc, thánh vịnh để sử dụng trong các nghi thức cầu nguyện, và sách còn tỉ mỉ chia ra làm 3 phần: cho người lớn, cho trẻ em đã rửa tội và trẻ em chưa rửa tội. Tìm hiểu tinh thần phụng vụ không gì tốt cho bằng nhìn đến các bài đọc, ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một vài chi tiết (muốn biết tất cả các bài đọc, xin xem trong Nghi Thức Phụng Vụ Cầu Nguyện Cho Người Vừa Qua Ðời).
Trong các bài đọc cho người trưởng thành, về Cựu Ước có 6 bài, tỉ như: - Gióp 19:1, 23-27 (Tôi biết Ðấng Cứu Ðộ của tôi đang sống); Khôn Ngoan 3:1-9 (Ngài chấp nhận họ như của lễ toàn thiêu); Khôn Ngoan 4:7-15 (Một đời sống không tì vết là sống thọ); Isaiah 25:6a, 7-9 (Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời); 2 Maccabê 12:43-45 (Thật hoan hỉ và thánh thiện khi nghĩ về người chết sẽ chỗi dậy).
Về Tân Ước có 19 bài. Sau đây là một vài tiêu biểu: Rôma 14:7-9, 10b-12 (Dù sống hay chết, chúng ta thuộc về Chúa); 1 Cor. 15:20-23, 24b-28 (Mọi người sẽ được sống trong Ðức Kitô); - 2 Cor. 4:14--5:1 (Những gì thấy được thì nhất thời; những gì không thấy được thì vĩnh viễn); 2 Cor. 5:1--6:10. (Chúng ta có căn nhà vĩnh viễn ở thiên đường).
Về Thánh Vịnh Ðáp Ca có 10 bài: TV 23, 25, 27, 42, 43, 63, 103, 116, 122, 130 và 143. Trong 10 thánh vịnh này không có thánh vịnh 125 (126) (*) là thánh vịnh thường được người Việt mở đầu tang lễ ("Khi Chúa thương gọi tôi về"), và chỉ có thánh vịnh 130 mang ý nghĩa "Từ vực thẳm con kêu lên Ngài".
Sau khi lướt qua một vài bài đọc, chúng ta thấy tinh thần phụng vụ trong tang lễ của Giáo Hội bây giờ đã thay đổi. Thay vì đưa ra cái nhìn bi quan, xa cách, khiếp sợ của Cựu Ước, Giáo Hội chú trọng nhiều đến niềm hy vọng nơi Ðức Kitô. Hầu như mọi phụng vụ trong các bí tích, như rửa tội, thêm sức, thánh thể, hòa giải đều nhằm diễn đạt mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô và dĩ nhiên, phụng vụ trong nghi thức an táng cũng không thoát khỏi ý nghĩa này. "Ðức Giêsu Kitô là trưởng tử của những người từ cõi chết... Nếu chúng ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người."

III. Kết Luận

Chết là lẽ tự nhiên và khó chấp nhận. Không chết vì già thì chết vì bệnh. Không chết vì bệnh thì chết vì tai nạn. Trước cái chết của một người, điều quan trọng là thông cảm sự đau buồn của thân nhân hơn là đưa ra lời nhận định. Chẳng ai biết được ý Chúa. Và lời an ủi mạnh mẽ nhất là im lặng lắng nghe tâm tình của người còn sống và những giúp đỡ thực tế, tỉ như đem cho họ một bữa ăn, một ly nước, một tiếp tay dọn dẹp nhà cửa, một chuyến xe đưa đón, v.v. Tang lễ của người Công Giáo phải khác với người ngoại giáo. Chúng ta không thể quên đi niềm hy vọng phục sinh nơi Ðức Kitô. Chúng ta không thể tuyệt vọng cho rằng "chết là hết" và thờ ơ việc cầu nguyện cho linh hồn người thân yêu đã từ trần.
Sau Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội Hoàn Vũ đã thay đổi nhiều mà có lẽ Giáo Hội Việt Nam chưa theo kịp. Trong các tang lễ vẫn còn những bài hát, những câu kinh phản ánh tinh thần đạo đức thời xa xưa, nhắm đến uy quyền và sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ngày nay, Giáo Hội có cái nhìn của một người trong gia đình, cùng là anh chị em trong Chúa Kitô, thông cảm hơn là kết án, hướng dẫn hơn là dạy đời.
Có lẽ đã đến lúc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phải đưa ra những câu kinh, những bài hát thích hợp hơn với tinh thần phụng vụ của Giáo Hội Hoàn Vũ bây giờ./.
Pt. Giuse Trần Văn Nhật

0 comments:

Đăng nhận xét

Hát Mãi Khúc Quân Hành